Tổng quan chỉ báo Chu kỳ
Chu kỳ giúp chúng ta dự đoán chính xác các hiện tượng tự nhiên: mùa chim di trú, thủy triều, chuyển động của các hành tinh…Phân tích chu kỳ cũng giúp chúng ta dự đoán sự thay đổi của thị trường tài chính, mặc dù không phải luôn luôn chính xác như trong tự nhiên.
Giá của nhiều hàng hóa có tính mùa vụ. Do nông nghiệp có ảnh hưởng đến hầu hết hàng hóa nên tính mùa vụ này khá dễ hiểu. Tuy nhiên, bản chất của tính chu kỳ đối với một số chứng khoán lại khó giải thích hơn. Về mặt lý thuyết, tính chu kỳ của một số chứng khoán bị ảnh hưởng từ yếu tố tâm lý con người cho đến thời tiết và chuyển động của các hành tinh. Có thể nhận thấy tâm lý con người là yếu tố có ảnh hưởng lớn.
Chúng ta biết rằng giá thể hiện sự đồng thuận trong kỳ vọng giữa người mua và người bán. Những kỳ vọng này luôn luôn thay đổi làm dịch chuyển đường cung cầu, và giao dao động từ ngưỡng quá mua đến ngưỡng quá bán và ngược lại. Sự dao động của giá là kết quả tất yếu của quá trinhg thay đổi kỳ vọng và dẫn đến các biến động mang tính chu kỳ.
Người ta đã phát triển ra nhiều chỉ báo và công cụ phân tích kỹ thuật nhằm tìm kiếm lợi nhuận dựa trên tính chu kỳ của giá. Ví dụ, các chỉ báo quá mua/quá bán (như Stochastic Oscillator và RSI) được phát triển để giúp xác định những vùng đỉnh/đáy của một chu kỳ.
Cách sử dụng chỉ báo Chu kỳ
Nếu chiêm nghiệm lại thì chúng ta có thể thây tính chu kỳ xuất hiện ở bất kỳ sự vật, hiện tượng nào. Để có thể kiếm lời từ việc phân tích chu kỳ thì tính chính xác của chu kỳ phải được kiểm chứng trong quá khứ và nên được sử dụng kết hợp với các công cụ khác.
Chu kỳ tuần của thị trường chứng khoán. Từ năm 1900 đến 1999, ngày tăng mạnh nhất trong tuần thường rơi vào thứ Sáu, trong khi giảm mạnh nhất là thứ Hai. Xu hướng này gần như đảo ngược trong thập niên 1990, thứ Hai lại trở thành ngày tăng mạnh nhất và thứ Sáu rơi xuống hàng thứ 4.
Chu kỳ 28 ngày của thị trường chứng khoán. Người ta phát hiện ra chu kỳ 28 ngày khi nghiên cứu về thị trường lúa mì trong thập niên 1930. Một số cho rằng điều này liên quan đến chu kỳ mặt trăng. Nhiều thị trường, bao gồm cả thị trường chứng khoán, dường như cũng có chu kỳ 28 ngày (chu kỳ 28 ngày là theo lịch, tức là khoảng 20 ngày giao dịch của thị trường chứng khoán).
Chu kỳ 10 1/2 tháng của giao dịch kỳ hạn. Mặc dù mỗi loại hàng hóa có chu kỳ riêng, nhưng thông qua Commodity Research Bureau (CRB) Index, người ta nhận thấy một chu kỳ hàng hóa thường dao động trong khoảng 9 đến 12 tháng.
Hiện tượng tháng 1. Có hiện tượng kỳ lạ là thị trường chứng khoán sẽ có năm tăng điểm nếu tăng trong tháng 1 và ngược lại thị trường sẽ có năm giảm điểm nếu giảm trong tháng 1. Vì vậy có câu nói “Đầu xuôi, đuôi lọt”. Từ năm 1950 đến 1999, hiện tượng tháng 1 đúng 42 trong số 50 lần, chiếm tỷ lệ 84%.
Hiệu ứng tháng 1. Sau khi làn sóng bán ra để tránh thuế và làm đẹp báo cáo tài chính cuối năm kết thúc, thị trường có chiều hướng tăng mạnh trong tháng 1. Khi càng nhiều người biết đến Hiệu ứng tháng 1 thì hiệu ứng này lại diễn ra sớm hơn, ngay từ cuối năm trước đó.
Chu kỳ 4 năm (Sóng Kitchin). Vào năm 1923, Joseph Kitchin tìm ra chu kỳ 40 tháng ở rất nhiều sản phẩm tài chính trên cả hai thị trường Anh và Mỹ trong giai đoạn 1890 – 1922. Sau đó, người ta nhận thấy chu kỳ 4 năm hiện diện rõ nét trên thị trường chứng khoán giai đoạn 1868 – 1945. Mặc dù gọi là “chu kỳ 4 năm” nhưng độ dài trong thực tế dao động từ 40 đến 53 tháng. Điều này trùng hợp với chu kỳ kinh tế 4 năm.
Chu kỳ bầu cử tổng thống. Chu kỳ này xuất phát từ sự kiện bầu cử tổng thống diễn ra 4 năm một lần ở Mỹ. Theo đó, thị trường sẽ giảm sau kỳ bầu cử vì tổng thống mới có những chính sách điều chỉnh nền kinh tế. Vào giữa nhiệm kỳ tổng thống, thị trường bắt đầu tăng do dự đoán tổng thống đương nhiệm sẽ thực thi các chính sách kinh tế để thu hút phiếu bầu.
Chu kỳ 9,2 năm (Sóng Juglar). Năm 1860, Clemant Juglar phát hiện chu kỳ 9 năm tồn tại trong nhiều lĩnh vực kinh tế. Những nghiên cứu sau đó cho thấy chu kỳ này rất mạnh trong giai đoạn 1840 -1940.
Chu kỳ 54 năm (Sóng Kondratieff). Được đặt theo tên một nhà kinh tế học người Nga, sóng Kondratieff là một chu kỳ kéo dài 54 năm hiện diện trong giá cả và các hoạt động kinh tế. Vì rất dài nên chu kỳ này chỉ mới xuất hiện 3 lần trên thị trường chứng khoán. Sóng tăng được thể hiện qua việc giá cả leo thang, kinh tế tăng trưởng và thị trường chứng khoán khởi sắc. Sóng ngang thể hiện qua việc giá cả ổn định, nền kinh tế đạt công suất cực đại và thị trường chứng khoán tăng mạnh. Sóng giảm thể hiện qua việc giá cả sụt giảm, thị trường chứng khoán lao dốc và thông thường là do chiến tranh.