Chỉ báo thị trường giúp gì cho nhà đầu tư

Mục lục

Views: 347

Các công cụ phân tích kỹ thuật thường dựa vào các thông số giá (chẳng hạn như giá mở cửa, giá cao nhất, giá thấp nhất, giá đóng cửa) và có thể thêm khối lượng giao dịch. Có một nhóm các công cụ phân tích kỹ thuật khác có thể giúp chúng ta dự đoán biến động của tất cả chứng khoán trong một thị trường nhất định.

Các chỉ báo này thường được gọi là “chỉ báo thị trường” vì chúng đo lường sự biến động của toàn thị trường chứ không chỉ của một cổ phiếu đơn lẻ. Người ta thường sử dụng chỉ báo thị trường trong phân tích thị trường chứng khoán dù các chỉ báo này cũng có thể được sử dụng trong các thị trường khác (chẳng hạn như thị trường giao dịch hợp đồng tương lai).

Dữ liệu của một cổ phiếu đơn lẻ chỉ hạn chế ở các thông số giá mở cửa, giá đóng của, giá cao nhất, giá thấp nhất, khối lượng giao dịch và thỉnh thoảng có thêm báo cáo tài chính. Trong khi đó ,có vô số dữ liệu về thị trường chứng khoán, chẳng hạn như số cổ phiếu xác lập các đỉnh mới trong ngày, số lượng cổ phiếu tăng giá, khối lượng giao dịch của các cổ phiếu tăng giá…Chúng ta không thể tính chỉ báo thị trường cho cổ phiếu đơn lẻ vì không có đủ dữ liệu cần thiết.

Các chỉ báo thị trường giúp phân tích kỹ thuật hiện quả hơn vì các chỉ báo này cung cấp thêm nhiều thông tin ngoài giá và khối lượng giao dịch. Một phương pháp phổ biến là sử dụng các chỉ báo thị trường để xác định xu hướng chung của thị trường và sau đó sử dụng các chỉ báo giá/khối lượng giao dịch để xác định thời điểm mua/bán một chứng khoán. Dựa vào lập luận “nước lên, thuyền lên” sẽ ít rủi ro hơn khi sử hữu chứng khoán trong giai đoạn thị trường tăng.

Phân loại Chỉ báo thị trường

Chỉ báo thị trường bao gồm ba nhóm cơ bản: chỉ báo tiền tệ, chỉ báo tâm lý và chỉ báo cường độ dao động.

Chỉ báo Tiền tệ chú trọng vào các số liệu kinh tế, chẳng hạn như lãi suất. Chỉ báo này giúp nhà đầu tư có thông tin về môi trường kinh doanh của doanh nghiệp. Các yếu tố bên ngoài này tác động trực tiếp đến khả năng sinh lời và giá cổ phiếu. Một số ví dụ về chỉ báo tiền tệ là lãi suất, cung tiền, dư nợ tiêu dùng, dư nợ doanh nghiệp và lạm phát. 

Chỉ báo Tâm lý thị trường tập trung vào kỳ vọng của nhà đầu tư – thường là trước khi những kỳ vọng này được phản ánh vào giá. Với mỗi chứng khoán đơn lẻ, giá thường là thông số duy nhất để đo lường tâm lý  nhà đầu tư. Tuy nhiên, đối với một thị trường lớn, có rất nhiều chỉ báo tâm lý thị trường, chẳng hạn như chỉ báo giao dịch lô nhỏ (phản ánh nhà đầu tư nhỏ đang làm gì), tỷ lệ quyền chọn bán/mua (phản ánh tỷ lệ giữa số lượng hợp đồng quyền chọn bán và quyền chọn mua là bao nhiêu), hệ số chênh lệch giá lên trong giao dịch hợp đồng chỉ số tương lai, tỷ lệ các chuyên gia tư vấn cho rằng thị trường lên/xuống…

Những nhà đầu tư “đi ngược xu hướng” sử dụng chỉ báo tâm lý thị trường để xác định tâm lý đám đông rồi sau đó làm ngược lại. Những nhà đầu tư này lập luận nếu đám đông đã kỳ vọng giá tăng thì có thể không còn nhiều nhà đầu tư mua vào để đẩy giá lên cao hơn nữa. Khái niệm này được kiểm chứng qua hiện tượng hầu hết nhà đầu tư đều lạc quan tại các mức đỉnh của thị trường (thời điểm đáng lẽ nên bán ra) và đều bi quan tại các mức đáy (thời điểm đáng lẽ nên mua vào).

Chỉ báo Cường độ dao động thị trường chỉ ra xu hướng biến động của giá, nhưng không chỉ dựa vào giá. Chỉ báo cường độ dao động bao gồm tất cả các chỉ báo giá/khối lượng giao dịch có thể áp dụng cho các chỉ số thị trường (chẳng hạn như MACD của DJIA) số cổ phiếu thiết lập đỉnh mới so với số cổ phiếu thiết lập đáy mới, mối liên hệ giữa số cổ phiếu tăng và cổ phiếu giảm giá, cũng như sự tương quan giữa tổng khối lượng giao dịch của chứng khoán tăng giá và tổng khối lượng giao dịch của chứng khoán giảm giá.

Ba nhóm chỉ báo thị trường này cho chúng ta cái nhìn thấu đáo về những điều sau:

  1. Các yếu tố của thị trường tiền tệ có ảnh hưởng đến giá chứng khoán và giúp chúng ta dự đoán xu hướng giá.
  2. Tâm lý đám đông giúp chúng ta nhận biết kỳ vọng giá của nhà đầu tư.
  3. Cường độ dao động hiện tại của thị trường giúp chúng ta nhân biết xu hướng dịch chuyển của giá.

Hình trên biểu thị trung bình động 12 tháng (một chỉ báo cường độ dao động) của chỉ số New York Composite. Mũi tên “mua” xuất hiện khi chỉ số vượt lên trên đường trung bình động 12 tháng, mũi tên “bán” xuất hiện khi chỉ số cắt xuống dưới đường trung bình này. Mặc dù chiến lược mua và nắm giữ hoạt động hiệu quả trong thị trường có xu hướng lên như hình, nhưng chúng ta có thể thấy rõ chỉ báo cường độ dao dộng đã bắt kịp mọi dịch chuyển đáng kể của thị trường.

Hình trên là sự kết hợp của chỉ báo tiền tệ và chỉ báo cường độ dao động đã được đề cập. “Dấu hiệu tán thành” (thumbs-up – ngón tay cái chỉ lên) xuất hiện khi lãi suất cơ bản giảm xuống dưới đường trung bingh động 10 tháng (lãi suất đang giảm) và chỉ số NYSE Composite vượt lên trên đường trung bình động 15 tháng. Đồ thị này cho thấy giá chứng khoán liên tục tăng trong suốt giai đoạn thị trường giá lên và nhà đầu tư nên thoát ra khỏi thị trường khi không có “dấu hiệu tán thành” để tránh tình trạng bán tháo như những năm trước.

Chúng ta không cần phải biết chính xác giá chứng khoán sẽ như thế nào, mà đơn giản chỉ chuyển đổi vị thế của mình sao cho hợp lý. Tại bất kỳ thời điểm nào trong giai đoạn được thể hiện trong đồ thị này, chúng ta không thể biết xu hướng thị trường sáu tháng sau. Tuy nhiên, chúng ta biết rằng cổ phiếu thường có khuynh hướng tăng giá khi lãi suất giảm và khi NYSE Composite vượt lên trên đường trung bình động dài hạn.  Chúng ta có thể giảm thiểu rủi ro và nâng cao cơ hội kiếm lời bằng cách hạn chế mua vào trong các giai đoạn cả hai chỉ báo này đều tăng.

Share on facebook
Share on twitter
Share on linkedin