Công ty bạn sẽ mua cổ phiếu có lợi thế cạnh tranh hay không?
Điều đầu tiên bạn muốn biết khi có ý định mua một công ty (với tinh thần “tôi sẽ mua toàn bộ công ty” bởi vì bạn hiểu về công ty và tự hào khi sở hữu nó) là liệu có thể dự đoán được tương lai của công ty không. Rõ ràng là bạn muốn có một công ty thành công trên thương trường – một công ty tiếp tục phát triển trong nhiều thập kỷ tới. Nhưng nếu bạn không thể chắc chắn với phán đoán của mình về triển vọng phát triển của công ty cũng như khả năng thành công của công ty trong tương lai và nếu là một nhà đầu tư theo Quy tắc số 1, bạn sẽ không mua công ty đó do không biết chắc chắn tương lai của nó.
Để có thể dự đoán được tương lai của một công ty, cần phải biết công ty đó có khả năng cạnh tranh lâu dài hay không, như Buffett nói “lợi thế cạnh tranh lâu dài bảo vệ công ty khỏi các cuộc tấn công cũng giống như một đường hào bảo vệ lâu đài”. Hay nói cách khác, chúng ta sẽ tìm kiếm những công ty có lợi thế cạnh tranh và “hàng rào” ngăn cản cạnh tranh rộng lớn làm cho các đối thủ khó có thể lọt vào tấn công lâu đài. Chúng ta muốn bảo vệ chắc chắn để tránh các đối thủ cạnh tranh muốn tấn công.
Phát hiện ra một công ty có lợi thế cạnh tranh lớn sẽ là chìa khoá để tìm kiếm và sở hữu một công ty thành công bởi vì việc dự đoán tương lai của một công ty có lợi thế cạnh tranh sẽ dễ dàng hơn một công ty không có lợi thế cạnh tranh.
Một số bạn có thể biết rõ khái niệm lợi thế cạnh tranh. Dù vậy, tôi cũng khuyên các bạn nên tiếp tục đọc để biết được tầm quan trọng của khái niệm này. Sau khi nói sơ qua đặc điểm của lợi thế cạnh tranh, tôi sẽ chỉ cho bạn thấy những chỉ số tài chính nào mà bạn cần để “nhìn” thấy một lợi thế cạnh tranh lớn.
Lợi thế cạnh tranh là gì?
Ý tưởng về lợi thế cạnh tranh thực sự rất đơn giản. Nếu một công ty dễ dàng bị xâm nhập thì có thể công ty đó không có lợi thế cạnh tranh. Ngược lại, nếu như khó xâm nhập và thành công trên thị trường thì có thể công ty đó có lợi thế cạnh tranh lớn.
Ví dụ, khi tôi còn nhỏ, gia đình tôi có một trang trại trồng anh đào ở Oregon. Tôi đã kinh doanh anh đào bằng cách trèo lên cây và hái quả, rồi nhờ ông tôi đưa tới trạm thu gom quả anh đào – đây là nơi họ cân anh đào của tôi, đo kích cỡ quả anh đào được chọn ra ngẫu nhiên và trả tiền cho tôi. Không có gì cản trở tôi trong quá trình buôn bán anh đào. Lý do là bởi vì không ai trong cửa hàng hoa quả đặc biệt quan tâm đến nguồn gốc của những quả anh đào. Anh đào là một loại hàng hoá thông thường, điều này có nghĩa là anh đào của một trang trại rất khó phân biệt với anh đào của các trang trại khác. Những công ty chuyên về hàng hoá thông thường sẽ không có lợi thế cạnh tranh. Nếu bạn sở hữu một công ty như vậy, bạn sẽ không được bảo vệ trước sự tấn công của các đối thủ. Nếu họ muốn chiếm lâu đài của bạn thì khi đó sẽ không có nhiều phương án ngăn cản họ. Nếu họ có thể trồng và bán anh đào với giá rẻ hơn của bạn, bạn có thể bị phá sản. Chúng ta không muốn sở hữu những công ty không có lợi thế cạnh tranh bởi vì chúng ta sẽ gặp khó khăn khi kiếm tiền ở đó. Hãy hỏi những ai sở hữu trang trại, hiệu thuốc, cửa hàng bán thức ăn ngon, trạm xăng hay cửa hàng bán quần áo. Đây đều là những công ty khó kiếm tiền bởi vì chúng đều là những công ty kinh doanh những mặt hàng cần thiết.
Nhưng thay vì cạnh tranh trên thị trường anh đào, tôi từng bước xâm nhập vào thị trường của Coke và Pepsi thì sao? Có vẻ như ngành này kiếm được rất nhiều tiền. Nhưng bạn có nghĩ là tôi sẽ gặp khó khăn khi xâm nhập vào thị trường này không? Hãy giả sử rằng cây côca của tôi trồng được nhiều lon cola có hương vị giống hệt một lon coca thật. Tôi có thể nhặt cây côca, đến cửa hàng và bán cho họ với giá rẻ và cạnh tranh với Coke không? Không. Chủ cửa hàng còn nhiều chỗ trống trong thùng đá bán hàng của mình. Coke và Pepsi được để đầy vào những khoảng trống đó bởi vì khách hàng đến cửa hàng đó chỉ để mua Coke hoặc Pepsi. Lý do khách hàng muốn mua những nhãn hàng này là bởi vì Coke và Pepsi được quảng cáo trên ti vi suốt ngày. Chủ cửa hàng không phải trả tiền cho những quảng cáo này (hơn thế những người bán buôn còn được nhận một khoản tiền thưởng lớn khi họ nhận bán Coke hay Pepsi trong cửa hàng mình. Tại sao không một chủ cửa hàng có thể dành một chỗ của Coke và Pepsi cho sản phẩm không có tiếng của tôi? Câu trả lời là: không bao giờ. Không nhường một centimet nào cả.
Vậy thì làm cách nào để tôi có thể bán được cola của tôi? Nếu tôi không tìm ra câu trả lời thì chứng tỏ Coke và Pepsi có khả năng bảo vệ lớn – “hàng rào” đó sẽ ngăn những đối thủ cạnh tranh như tôi khỏi tấn công vào lâu đài của họ. Ngay cả nếu tôi có thể tạo ra được cola từ cây của mình thì tôi cũng không có chỗ để bán sản phẩm của mình ở các cửa hàng.
Điều kỳ diệu hơn nữa đối với những công ty có lợi thế cạnh tranh lớn đó là khả năng theo kịp lạm phát. Hay nói cách khác, những công ty này có khả năng tăng giá do chi phí tăng lên. Mọi người vẫn mua Coke, dao cạo Gillette hoặc mua các sản phẩm của Starbucks ngay cả nếu giá hiện nay của những hàng hoá này đắt hơn so với giá ngày hôm qua.
Lợi thế cạnh tranh không phải là sự yêu thích một sản phẩm. Nhiều người ghét Microsoft nhưng vẫn sử dụng Windows bởi vì có nhiều phần mềm họ bắt buộc phải sử dụng lại chạy trên nền Windows. (Bạn còn nhớ câu chuyện NeXT của tôi chứ? Những người bạn đầu tư của tôi và tôi không thể vượt qua được “hàng rào” ngăn cản cạnh tranh của Microsoft để tấn công vào lâu đài của họ). Một đối thủ cạnh tranh như Linux có thể tặng hệ điều hành (miễn phí) mà vẫn không chiếm được thị phần lớn của Microsoft. Việc tích hợp một hệ điều hành này với một hệ điều hành khác có thể gây ra nhiều rắc rối bởi vì bạn sẽ phải sử dụng nhiều hệ điều hành. Và mặc dù người dân trong các thị trấn nhỏ có thể không ưa những gì Wal-Mart đã làm đối với các cửa hàng kim khí trong vùng của họ, họ vẫn mua hàng ở Wal-Mart bởi vì giá ở đây rẻ. Wal-Mart có lợi thế cạnh tranh về giá cả.
Một công ty theo Quy tắc số 1 luôn luôn là công ty có thể vượt qua được các đợt lạm phát. Đó là mục đích của đường hào đối với toà lâu đài: bảo vệ khỏi lạm phát và các đối thủ cạnh tranh. Các công ty có lợi thế cạnh tranh không bị ảnh hưởng bởi lạm phát bởi vì họ có khả năng tăng giá khi chi phí kinh doanh tăng lên. Những công ty có lợi thế cạnh tranh lớn – những công ty theo Quy tắc số 1 – có thể làm được điều đó bởi vì họ giữ vị trí độc quyền trên thị trường. Điều cốt yếu của độc quyền đó là khả năng tăng giá theo ý muốn.
Các bí quyết kinh doanh có thể tạo ra lợi thế cạnh tranh và hàng rào ngăn cản cạnh tranh khiến các công ty khác không thể sao chép được. Ngoài việc sở hữu một lợi thế cạnh tranh về nhãn hiệu, bí quyết kinh doanh còn được thể hiện qua hương vị tuyệt vời khiến cho chính Coke cũng không thể cạnh tranh được với chính mình. Công ty này đã cố gắng đưa ra một công thức mới – New Coke và bị sụt giảm về doanh thu. Mọi người thích Coke như nó vốn có trong gần 100 năm qua. Nếu các công ty khác có thể sao chép được công thức sản xuất của Coke thì họ có thể tạo ra sản phẩm giống như Coke. Nhưng họ không thể làm sản phẩm y hệt như Coke. Khi bạn muốn mua Coke, bạn sẽ mua Coke. Ngay cả nếu bạn có thể sao chép y nguyên Coke, bạn cũng không thể cạnh tranh được với nhãn hiệu và sự phân phối sản phẩm trên toàn thế giới của họ. Coke có lợi thế cạnh tranh tốt.
Công ty dược phẩm khổng lồ Pfizer có được lợi thế cạnh tranh từ các bằng phát minh sáng chế về các loại thuốc. Đó là lợi thế cạnh tranh được luật pháp hỗ trợ. Intel có được lợi thế cạnh tranh nhờ có kinh nghiệm lâu năm trong việc tạo nên các loại mạch điện tử siêu nhỏ. Phải nhờ những nhân viên của Intel, bạn mới tìm hiểu được về công ty này.
Công ty tiện ích như PG&E tự bảo vệ chính mình bằng luật chính phủ. Đó là công ty duy nhất cung cấp nguồn điện cho cả vùng và do đó độc quyền. Để sử dụng điện ở California, bạn phải mua điện của PG&E, hoặc tự xây dựng nhà máy phát điện cho riêng mình. Những công ty tiện ích giống như những chiếc cầu thu lệ phí. Để vượt qua con sông bạn phải trả phí qua cầu, hoặc bạn phải có thuyền riêng của mình. Những công ty này được độc quyền vì có chính phủ hậu thuẫn nhưng chúng không nhất thiết phải là những công ty độc quyền. Hầu hết những công ty quảng cáo và truyền thông là ví dụ về những chiếc cầu thu lệ phí. Nếu bạn muốn quảng cáo ở thủ đô Washington, bạn có thể đăng ký trên tờ Washington Post. Bạn phải trả phí cho tờ Post. Time Warner là một công ty kiểu như thế. Google cũng vậy.
Thực tế, một công ty có lợi thế cạnh tranh thường được ủng hộ, giúp đỡ lâu dài để bảo vệ khỏi bị cạnh tranh. Họ không cần phải là một công ty “độc quyền” theo đúng nghĩa (nghĩa là có quyền lực to lớn chi phối tới một mảng thị trường nào đó) nhưng nên là công ty đứng ở vị trí số 1 hoặc số 2 trên thị trường đó.