Đồ thị là nền tảng của phân tích kỹ thuật. Một hình vẽ đồ thị thật sự đáng giá ngàn từ.
Đồ thị dạng đường (Line Charts)
Đồ thị dạng đường là loại đồ thị đơn giản nhất. Như đã trình bày trong đồ thị của cổ phiếu HP ở hình trên, đường đồ thị đơn miêu tả giá đóng cửa hàng ngày. Thời gian được thể hiện ở trục hoành và giá được thể hiện ở trục tung. Ưu điểm của đồ thị dạng đường chính là sự đơn giản, qua đó cho chúng ta cái nhìn thông suốt và dễ hiểu về giá chứng khoán. Đồ thị dạng đường thường sử dụng giá đóng cửa.
Đồ thị dạng cột (Bar Charts)
Đồ thị dạng cột thể hiện giá mở cửa (nếu có), giá cao nhất, giá thấp nhất và giá đóng cửa. Đồ thị dạng cột là dạng đồ thị chứng khoán phổ biến nhất. Như hình minh họa bên dưới, phần trên cùng của cột thể hiện giá cao nhất của chứng khoán trong kỳ. Phần dưới cùng của cột thể hiện mức giá thấp nhất của chứng khoán. Vạch nằm ngang phía bên phải của cột biểu thị mức giá giao dịch cuối cùng trong kỳ của chứng khoán. Nếu có, giá mở cửa sẽ được thể hiện bằng vạch ngang phía bên trái cột.
Thang đo bán logarit và Thang đo số học
Thang đo trục tung của đồ thị giá có thể được thể hiện theo hai cách sau. Thang đo số học, khoảng cách nằm giữa mỗi điểm là bằng nhau và không phụ thuộc vào giá trị cao hay thấp. Ví dụ, khoảng cách giữa 1 và 2 là bằng với khoảng cách giữa 98 và 99. Thang đo số học đôi khi cũng được gọi là thang đo tuyến tính.
Thang đo bán logarit, khoảng cách giữa mỗi điểm phụ thuộc vào giá trị của nó. Ví dụ, khoảng cách giữa 10 và 20 (cách 10 điểm và tăng 100%) bằng với khoảng cách giữa 50 và 100 (cách 50 điểm, nhưng vẫn tăng 100%). Thang đo bán logarit đôi khi còn được gọi là thang đo logarit hoặc thang đo tỷ lệ.
Hình trên biểu thị chỉ số DJIA từ năm 1900 – 1999, đồ thị sử dụng thang đo số học trong khi đồ thị bên dưới sử dụng thang đo bán logarit. Chú ý rằng, mức giá ở đồ thị với thang đo số học trong có vẻ “cao” hơn nhiều, trong khi đồ thị ở dưới có thể cho thấy mức giá sát vói thực tế hơn, nhưng vẫn còn rất cao. Sự khác biệt giữa thang đo số học và thang đo bán logarit thể hiện rõ nhất khi giá thay đổi mạnh từ mức gần bằng 0.
Đồ thị khối lượng giao dịch dạng cột
Khối lượng giao dịch thường được thể hiện bằng đồ thị dạng cột ở phần dưới của biểu đồ. Hình bên trên cho thấy khối lượng giao dịch của cổ phiếu Ins tăng như thế nào khi giá tăng vọt. Hình trên thể hiện khối lượng giao dịch xuất phát từ mức 0 (zero-based). Điều này có nghĩa là phần dưới cùng của một cột khối lượng giao dịch có giá trị bằng 0. Tuy nhiên, phần lớn các nhà phân tích thích sử dụng khối lượng giao dịch điều chỉnh tương đối (relative-adjusted) hơn là khối lượng xuất phát từ mức 0.
Khối lượng giao dịch điều chỉnh được tính bằng cách lấy khối lượng giao dịch của các kỳ trừ cho khối lượng giao dịch thấp nhất trong kỳ. Các cột khối lượng giao dịch điều chỉnh giúp chúng ta dễ dàng quan sát xu hướng của khối lượng giao dịch nhờ lược bỏ khối lượng thấp nhất hàng ngày. Giá chứng khoán cũng có thể được minh họa bằng các dạng đồ thị khác như Candlestick, Equivolume, Kagi hay Point and Figure,… Các dạng này sẽ được giải thích ở phần sau.