Giá trị thực của một cổ phiếu

Mục lục

Views: 258

Giá trị thực trong lĩnh vực tài chính có rất nhiều cách gọi khác nhau, bao gồm “giá trị nội tại”, “giá trị đúng” hoặc đơn giản là “giá bán lẻ”. Tên gọi không thành vấn đề. Hãy gọi bất cứ tên nào bạn muốn; tôi sẽ gọi là giá trị thực. Giá trị thực chính là mức giá được ấn định hợp lý – không quá cao hay quá thấp. Đó là mức giá thị trường nên mua bán, trao đổi (nhưng thực tế thường không xảy ra như vậy).

Bỏ cách gọi tên sang một bên, điều quan trọng nhất là giá trị thực phải được xác định chính xác. Quy tắc số 1 coi mua cổ phiếu như thể chúng chính là công ty, và những công ty này không phải là một mớ giấy vụn. Chúng cũng không giống hàng hoá hữu hình (hãy nhớ lại ví dụ chiếc ô tô). Những công ty này có chủ, nhà xưởng và máy móc, những thứ cần thiết để bán sản phẩm và kiếm tiền. Giá của một công ty thường có giá trị thực lớn hơn giá trị từng phần của nó. Phần lớn giá trị của một công ty là khoản tiền đem lại trong tương lai cho chủ sở hữu. Không ai biết chính xác khoản tiền đó là bao nhiêu. Do đó, không ai biết chính xác giá trị thực là bao nhiêu. Quy tắc số 1 chính là dựa trên những nghiên cứu về giá trị thực.

Một yêu cầu khi bạn học để trở thành chuyên gia đầu tư theo Quy tắc số 1 là tính được giá trị thực. Những phép tính sẽ trở nên đơn giản khi bạn thực hành một vài lần. Trở ngại đầu tiên khi xử lý số liệu này là bạn cảm thấy quá tải, nhưng hãy thực hành từ từ và chắc chắn, từng bước dể tính toán ra giá trị thực mà không cần sử dụng máy tính.

Do đó, chúng ta sẽ biết sử dụng các cách thức tính toán khác ngoài máy tính để đẩy nhanh tốc độ, tạo sự thuận tiện và thích hợp hơn. Bạn sẽ sớm thực hiện được việc tính toán số liệu cho bất kỳ công ty nào – và quen với quy trình này. Theo đó, bạn chỉ cần nhìn lướt qua hàng chồng số liệu và biết ngay rằng chúng nói lên điều gì mà không cần phải thực hiện bất kỳ phép tính nào trong đầu.

Vấn đề cốt lõi để tìm giá trị thực của cổ phiếu, như tôi đã nói, là mua công ty chứ không phải mua cổ phiếu, và xây dựng những rào chắn bảo vệ. Những rào chắn này đều được nghiên cứu trong cuốn sách này. Rào chắn đầu tiên là cần hiểu công ty có đủ ý nghĩa đối với bạn để đầu tư lâu dài hay không. Thứ hai, đảm bảo rằng công ty có lợi thế cạnh tranh tốt để bạn có thể đưa ra dự đoán tương đối chính xác về tương lai dựa vào năm chỉ số tăng trưởng quan trọng trong quá khứ. Thứ ba, đảm bảo rằng bạn thích người quản lý, bạn biết rằng anh ta hay cô ta sẽ hành động như một chủ sở hữu lâu dài. Và rào chắn thứ tư – có thể quan trọng nhất – là mua công ty với một biên độ an toàn cao. Do đó, nếu có vấn đề gì xảy ra, bạn sẽ không bị thua lỗ.

Để tìm ra giá trị thực, chính xác bạn phải biết bốn số liệu – những số liệu này sẽ được sử dụng để thực hiện một vài phép tính quan trọng. Đầu tiên, hãy để tôi chỉ ra và giải thích những số liệu chúng ta sẽ đề cập tới – và sau đó, tôi sẽ hướng dẫn bạn làm cách nào để tính giá trị thực từ những số liệu đó.

Tìm giá trị thực của cổ phiếu

Để tìm giá trị thực của cổ phiếu, chúng ta cần có bốn số liệu:

1. EPS (Lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu) hiện hành.

2. Tỷ lệ tăng trưởng EPS dự đoán (tương lai).

3. PE (giá/thu nhập) dự đoán trong tương lai.

4. Tỷ suất lợi nhuận tối thiểu chấp nhận được từ khoản đầu tư này.

Tại sao lại cần những số liệu này? Giá trị thực được tính toán khi biết lượng tiền công ty sẽ kiếm được. Lượng tiền công ty kiếm được gọi là thu nhập (hoặc lợi nhuận), và lợi nhuận chính xác cho chủ sở hữu được gọi là lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu, hoặc EPS (Earnings per share). Do đó, để có thể bắt đầu tính toán chúng ta cần cần biết EPS tăng trưởng như thế nào trong tương lai. Đặc biệt, chúng ta muốn biết EPS tăng trưởng như thế nào trong 10 năm tới. Để tìm ra EPS tương lai, chúng ta cần có hai số liệu: EPS hiện hành và tỷ lệ tăng trưởng EPS dự đoán trong tương lai. Nhân EPS hiện hành với tỷ lệ tăng trưởng EPS dự đoán trong tương lai 10 năm, chúng ta có EPS tương lai trong 10 năm tới.

Khi biết EPS tương lai, chúng ta cũng có thể tìm ra giá thị trường của cổ phiếu trong 10 năm tới. Phần tính toán này rất dễ. Thị trường định giá công ty qua một vài phép nhân với EPS của nó. Phép nhân này được gọi là chỉ số PE (giá/thu nhập – Price per Earnings), hoặc chỉ là “PE”. Chúng ta tìm ra PE tương lai tốt nhất để sử dụng – tôi sẽ hướng dẫn bạn cách làm trong phần sau – và sau đó, nhân số đó với EPS để được giá thị trường tương lai của công ty trong 10 năm.

Giá trị thực của bất cứ công ty nào được tính dựa trên EPS và PE tương lai của nó. Nói cách khác, nếu chúng ta có thể chỉ ra EPS và PE tương lai của công ty là bao nhiêu thì chúng ta có thể nhân những số liệu đó với (n) và xác định giá tương lai của công ty trong 10 năm và từ đó xác định lại giá trị thực hiện tại của nó.

Nhận định chung là nếu chúng ta biết giá thị trường của công ty là bao nhiêu trong vòng 10 năm – hay nếu chúng ta có quả cầu pha lê và có thể nhìn thấy điều gì sẽ xảy ra. Như vậy, chúng ta sẽ dễ dàng biết được hiện tại nên trả bao nhiêu cho công ty. Chúng ta chỉ cần biết tỷ suất lợi nhuận tối thiểu có thể chấp nhận hàng năm. Bạn nên nắm rõ điều này. Đối với nhà đầu tư theo Quy tắc số 1, tỷ suất lợi nhuận tiếu thiểu chấp nhận được là 15%.

Share on facebook
Share on twitter
Share on linkedin