Hãy nhớ rằng, nếu là vị tổng giám đốc điều hành (CEO) Cấp Năm, họ nên coi công ty như thể nó là tài sản duy nhất của gia đình mình trong 100 năm tới. Do vậy, cần đặt ra một câu hỏi: Nếu công ty là tài sản duy nhất của họ trong 100 năm sau, tại sao họ lại bán rẻ từng phần công ty trừ khi bắt buộc phải làm như vậy? Khi một CEO (hoặc bất cứ ai khác trong công ty có thể tiếp cận các thông tin nội bộ không được công bố rộng rãi) mua hoặc bán cổ phiếu của chính công ty mình, các giao dịch đó được gọi là giao dịch nội bộ. Bạn sẽ thấy các thông tin giao dịch nội bộ được công bố bên cạnh những số liệu sẵn có trên các trang web tài chính. Ví dụ, tại trang MSN Money, nó được công bố tại mục “Research” (Nghiên cứu).
Giao dịch nội bộ sẽ hợp pháp nếu CEO thông báo với Uỷ ban giao dịch chứng khoán (SEC) rằng họ sẽ thực hiện giao dịch trong vòng 48 giờ. Giao dịch nội bộ là một trong những thông tin quan trọng để đánh giá tình hình công ty trong thời gian tới sẽ tốt hay xấu. Lý do là bởi một người điều hành thường biết vấn đề nhiều tháng trước khi sự việc xảy ra, và nếu không giữ cổ phiếu dài hạn, rất có thể họ đang giảm thiệt hại bằng cách bán cổ phiếu. Hoặc nếu mọi việc thực sự tốt đẹp đối với công ty thì họ sẽ mua cổ phiếu vào để đón nhận các khoản lợi nhuận lớn.
Warren Buffett là trường hợp điển hình về giao dịch nội bộ của CEO. Với sự hiểu biết của mình trong hơn 40 năm đầu tư, Buffett chưa bao giờ bán bất cứ cổ phiếu riêng lẻ nào của Berkshine Hathaway.
Các nhà lãnh đạo khác thường không quá gắn bó với cổ phiếu của mình. Ngay trước khi cổ phiếu Enron rơi từ 60 đô-la xuống 0 đô-la, chủ tịch, CEO và giám đốc tài chính (CFO), đã bán tháo toàn bộ cổ phiếu Enron, trong khi vẫn khuyên nhân viên mua cổ phiếu này.
Ngài Buffett chỉ bán cổ phiếu của ông ở các công ty khác, và khi ông thực hiện giao dịch, bạn cũng sẽ được thông báo.
Việc lãnh đạo công ty bán chứng khoán không phải luôn là những tín hiệu đèn đỏ. Ví dụ, Bill Gates bán cổ phiếu của Microsoft để làm từ thiện và các hoạt động đầu tư khác. John Mackey của Whole Foods cũng làm như vậy. Nhưng nếu bạn xem xét toàn bộ cổ phiếu họ sở hữu, bạn có thể thấy phần lớn tài sản cá nhân của họ được đầu tư vào chính công ty, Buffett là một ví dụ.
Không có một cách thức hoàn hảo để đo lường khi nào một vài giao dịch nội bộ sẽ kéo theo rất nhiều giao dịch nội bộ khác. Bạn phải sử dụng mọi giác quan. Nếu hầu hết các lãnh đạo cấp cao của công ty bán tống bán tháo hơn 30% lượng cổ phiếu của họ cùng một lúc, điều này có thể là tín hiệu không tốt. Như tôi đã nói, phải sử dụng mọi giác quan. Tôi xem xét việc mua cổ phiếu của một công ty tài chính nổi tiếng, cho đến khi tôi được biết hội đồng quản trị, tổng giám đốc đang bán tháo trên 50% lượng cổ phiếu của họ. Thế là tôi không mua và sau đó, giá của cổ phiếu của công ty này rơi xuống rất nhanh. Bạn sẽ biết được rằng có nhiều lý do để người ta bán cổ phiếu, nhưng nếu tất cả đều cùng bán ra thì đó là một dấu hiệu tiêu cực. Bạn cũng sẽ biết được rằng chỉ có một lý do để các nhà lãnh đạo cấp cao mua cổ phiếu đó là: bởi vì cổ phiếu đó sẽ tăng giá. Nhưng điều đó cũng không hẳn đúng. Rất nhiều lần các nhân viên của công ty mua cổ phiếu chỉ để thể hiện sự hợp tác của họ. Họ thậm chí cố gắng hết sức để cứu vãn sự sụt giá cổ phiếu, đặc biệt công ty mua bán khối lượng tương đối nhỏ và có một chút chiến lược sẽ ảnh hưởng đến giá cổ phiếu. Nhưng khi người bên trong công ty thế chấp tài sản của họ để gom cổ phiếu lẻ, đó là một dấu hiệu tích cực.
Trang web giao dịch nội bộ thường cho biết những cổ phiếu được bán và tổng khối lượng nắm giữ, nhưng không phải tất cả các trang web đều cung cấp thông tin này. Ví dụ, trang MSN đăng thông tin một nhân viên vẫn sở hữu bao nhiêu cổ phiếu (“cổ phiếu còn lại”) nếu bạn kích chuột vào “Insider Trading” (Giao dịch nội bộ) sau đó vào trang web về thông tin cổ phiếu của công ty và kích chuột vào tên người sở hữu cổ phiếu cần tra cứu. Bạn cũng sẽ biết các giao dịch cổ phiếu hiện hữu có mức độ đáng giá như thế nào. Tại trang Yahoo! Finance, kích chuột vào “Insider Roster” (Bảng liệt kê danh sách người sở hữu trong công ty) để vào trang cổ phiếu chính của công ty và bạn sẽ tìm thấy số liệu về khối lượng cổ phiếu được các thành viên chủ chốt nắm giữ. Sau đó kích chuột vào “Insider Transaction” (Giao dịch nội bộ) để xem ai đang mua bán cổ phiếu. Trang Vickers (www.vickers-stock.com) có nhiều thông tin hơn, nhưng đó là trang phải trả tiền. Kiểm tra các trang web khác và xem bạn có thể tìm được thông tin gì (một số trang có thể cung cấp miễn phí trong một thời gian nhất định).
Tôi sẽ nói kỹ hơn về giao dịch nội bộ trong chương sau, khi đó tôi sẽ chỉ cho bạn cách thu thập các thông tin này bên cạnh các công cụ khác bạn tìm được trên mạng. Bây giờ, hãy chú ý đến các giao dịch mua hoặc bán đột ngột của những người điều hành công ty vì đó có thể là tín hiệu về vận mệnh của công ty trong tương lai.