Tổng quan về Lãi suất
Lãi suất đóng vai trò quan trọng trong chu kỳ kinh doanh và thị trường tài chính. Ảnh hưởng của việc thay đổi lãi suất hay thay đổi kỳ vọng lãi suất là rất lớn. Khi lãi suất tăng, chi tiêu tiêu dùng giảm. Đây là nguyên nhân làm cho doanh số bán lẻ tăng trưởng chậm lại, lợi nhuận doanh nghiệp sụt giảm, thị trường chứng khoán đi xuống và tỷ lệ thất nghiệp tăng cao.
Tác động của sự sụt giảm lợi nhuân doanh nghiệp đến thị trường chứng khoán còn bị khuyếch đại bởi lãi suất cao làm cho các kênh đầu tư lãi suất cố định trở nên hấp dẫn hơn, dẫn đến dòng tiền rút khỏi thị trường.
Cách sử dụng
Quá khứ cho thấy, lãi suất tăng là tín hiệu tiêu cực cho thị trường chứng khoán, trong khi lãi suất giảm là tín hiệu tích cực.
Hình trên biểu thị mức thay đổi Lãi suất cơ bản kỳ hạn 4 tháng và DJIA. Mũi tên “mua” xuất hiện khi lãi suất này giảm (chỉ báo nằm dưới đường 0) và mũi tên “bán” xuất hiện khi lãi suất này tăng. Ngay cả trong một thị trường giá lên mạnh, chúng ta có thể thấy tất cả các đợt sụt giảm của Dow đều rơi vào thời kỳ lãi suất tăng. Những mũi tên này cho thấy sự tương quan mạnh giữa lãi suất và thị trường chứng khoán.
Lãi suất Trái phiếu doanh nghiệp.
Giống như chính phủ, doanh nghiệp cũng phát hành trái phiếu để tài trợ cho hoạt động của mình. Trái phiếu doanh nghiệp rủi ro hơn trái phiếu kho bạc nhưng bù lại có lợi suất cao hơn. Lợi suất trái phiếu của một doanh nghiệp cụ thể phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó quan trọng nhất là sức khỏe tài chính của doanh nghiệp và lãi suất hiện hành. Một số tổ chức chuyên cung cấp dịch vụ xếp hạng trái phiếu nhằm giúp nhà đầu tư đánh giá được chất lượng trái phiếu.
Lợi suất trái phiếu doanh nghiệp là một thành phần trong công thức tính toán Chỉ số Niềm tin (Confidence Index) do Barron’s phát triển vào năm 1932. Chỉ số Niềm tin dùng để đo lường niềm tin của nhà đầu tư vào nền kinh tế bằng cách so sánh lợi suất của trái phiếu có xếp hạng tín nhiệm cao với lợi suất của trái phiếu đầu cơ.
Lợi suất trung bình của Trái phiếu Doanh nghiệp có xếp hạng tín nhiệm cao
Lợi suất trung bình của Trái phiếu Doanh nghiệp đầu cơ
Nếu lạc quan về nền kinh tế, nhà đầu tư sẽ đầu tư nhiều hơn vào trái phiếu đầu cơ, dẫn đến lợi suất trái phiếu đầu cơ giảm và Chỉ số Niềm tin tăng. Ngược lại, nếu bi quan về nền kinh tế, nhà đầu tư sẽ bán ra trái phiếu đầu cơ và mua vào trái phiếu có xếp hạng tín nhiệm cao, làm cho lợi suất trái phiếu có xếp hạng tín nhiệm cao giảm và Chỉ số Niềm tin giảm.
Lãi suất chiết khấu
Là lãi suất mà Ngân hàng trung ương áp dụng đối với các khoản vay dành cho ngân hàng thành viên. Ngân hàng sử dụng lãi suất chiết khấu làm cơ sở cho các khoản vay dành cho khách hàng. Lãi suất chiết khấu không thay đổi hàng ngày giống như hầu hết những lãi suất khác. Thay vào đó, lãi suất chiết khấu chỉ thay đổi khi cần thiết để tác động lên nền kinh tế. Trong thời kỳ suy thoái, lãi suất sẽ hạ để khuyến khích vay mượn và tiêu dùng. Trong giai đoạn lạm phát, lãi suất sẽ được nâng lên để hạn chế vay mượn và tiêu dùng và kiềm chế được sự gia tăng giá cả.
Lãi suất cơ bản
Là lãi suất mà các ngân hàng tính cho các khách hàng doanh nghiệp có lịch sử tín dụng tốt nhất. Lãi suất này thường thay đổi theo lãi suất chiết khấu.
Lãi suất Trái phiếu kho bạc
Một loại lãi suất cực kỳ quan trọng là lợi suất trái phiếu kho bạc 30 năm (“trái phiếu dài hạn”) được Bộ tài chính đấu giá theo chu kỳ. Trong các loại Trái phiếu chính phủ, trái phiếu dài hạn dễ biến động nhất do có thời gian đáo hạn dài – một sự thay đổi nhỏ trong lãi suất cũng sẽ khiến giá trái phiếu biến động lớn.