Chúng ta cùng đến với chữ M thứ tư trong quy tắc đầu tư số 1: biên độ an toàn (margin of safety – MOS). Đây là tiêu chí xác định “mức giá hấp dẫn” và bạn sẽ thấy MOS được sử dụng để xác định mức giá hợp lý của một công ty cụ thể.
Sự điên rồ của Lý thuyết thị trường hiệu quả… và các thị trường
Giáo sư Burton Malkiel đã nghiên cứu phôi thai cho Lý thuyết thị trường hiệu quả (EMT). Lý thuyết này cho rằng: các cổ phiếu được định giá theo giá trị. Trong năm 1972, ông chứng minh trước Hội trí thức thuộc nhóm các trường đại học nổi tiếng ở miền đông nước Mỹ (Ivy League Intellectual Community) rằng, thậm chí Warren Buffett cũng không thể kiếm được lợi nhuận từ hoạt động đầu tư lớn hơn một người mua chứng khoán ngẫu nhiên. Điều này có thể gây ngạc nhiên đáng kể cho Buffett.
Trước khi, cuốn sách của Malkiel được phát hành, mọi người rất ấn tượng về lợi nhuận đầu tư 29%/năm của Buffet trong 16 năm qua nhờ chiến lược đầu tư ưu việt mà người thầy thông thái, Benjamin Graham, truyền đạt cho ông. Chiến lược này dựa trên ý tưởng: trên thị trường chứng khoán cổ phiếu đôi khi cũng bị định giá sai. Trên thực tế, Giáo sư Malkiel lập luận rằng, thành công của Buffett đơn giản chỉ là sai số thống kê, giống như sự rơi xuống ngẫu nhiên của trò tung đồng xu xấp ngửa – một điều bất thường nhưng chắc chắn là được trông đợi trong bất kỳ mẫu thống kê nào về một hệ thống ngẫu nhiên.
Cuốn sách của Malkiel về Lý thuyết thị trường hiệu quả (EMT), có nhan đề A Random Walk Down Wall Street (Bước đi ngẫu nhiên trên phố Wall), hiện vẫn được bán. Thực tế, cuốn sách này được tái bản lần thứ tám và không hối hận khi ủng hộ EMT. Nhưng hãy xem Giáo sư Milkiel nói gì trong buổi phỏng vấn với Geoff Colvin trong một chương trình truyền hình phân tích tin tức tài chính. Cuộc phỏng vấn được phát vào ngày 20 tháng 6 năm 2003:
BURTON MALKIEL: Tôi cho rằng một người không có kiến thức chơi cổ phiếu cũng có thể chọn được những cổ phiếu đáng đầu tư như các chuyên gia.
COLVIN: Tại sao lại như vậy? Tại sao không có ai có thể kiên định thắng được thị trường được?
MALKIEL: Tôi nghĩ có hai lý do. Một là, thị trường của chúng ta thực sự là thị trường hiệu quả kỳ lạ nhất. Khi thông tin về một công ty nào đó, hoặc về nền kinh tế được đưa ra, mọi người ngay lập tức cho rằng thông tin đó là đúng. Do vậy, khi bạn và tôi nghe thấy những thông tin này thì nó đã tác động ngay vào giá cổ phiếu…
COLVIN: Hiện nay, rất nhiều người nói rằng tình trạng bong bóng lớn của cuối những năm 90, khi cổ phiếu được đưa lên mức giá trên trời vì những lý do không đâu và sau đó đầu năm 2000 sụt giảm nặng nề cũng vì những lý do không đâu, cho thấy ý tưởng về một thị trường hiệu quả là nhảm nhí.
MALKIEL: Về lâu dài, tôi nghĩ rằng, thị trường là hiệu quả. Mặc dù tôi cũng thừa nhận đôi khi thị trường cũng rất điên rồ.
Và đây là điều Ben Graham nhắc tới trong 50 năm trước: “Về ngắn hạn, thị trường chứng khoán không đạt được hiệu quả nhưng về dài hạn nó sẽ là thị trường hiệu quả”. Buffett nói rằng: “Ý tưởng cơ bản để đầu tư là xem cổ phiếu như công ty, lợi dụng biến động thị trường để làm lợi cho bạn và tìm kiếm biên độ an toàn. Đó là những điều Ben Graham dạy chúng ta. Hàng trăm năm sau, điều này vẫn là tiền đề cơ bản cho hoạt động đầu tư”. Nói cách khác, chỉ sau 30 năm hiểu sai và không thừa nhận thực tế này, Giáo sư Malkiel đến bây giờ lại tung ra triết lý đầu tư mà Buffett và Graham sử dụng thành công 80 năm qua. Chỉ có sự khác nhau duy nhất là ông Malkiel tiếp tục khẳng định: không phải ai cũng có thể lợi dụng thành công khi “thỉnh thoảng thị trường điên rồ” để kiếm tiền. Bufett, Graham và hàng ngàn những nhà đầu tư thành công khác lợi dụng thời điểm “điên rồ” khi cổ phiếu trên thị trường bị định giá sai như một cơ hội kiếm tiền. Chúng ta cũng sẽ làm như vậy.
Phép loại suy: Vào một buổi chiều ở một trường đại học nổi tiếng, vị giáo sư kinh tế, luôn tin cổ phiếu luôn được định giá đúng, đang đi cùng với một sinh viên đã tốt nghiệp, khi cả hai cùng nhìn thấy 100 đô-la trên sân. Người sinh viên bắt đầu cúi xuống để nhặt lên thì vị giáo sư nói: “Không, đừng nhặt. Nếu thực sự là tờ 100 đô-la thì nó sẽ không nằm ở đó”.
Giá trị thực của một trăm đô la hay của một cổ phiếu
Đây là ứng dụng thực tế của Quy tắc số 1: Mua cổ phiếu trị giá 1 đô-la với 50 xu. Điều này là vì đôi khi giá trị của công ty chúng ta muốn mua không bằng với giá trên thị trường. Chúng ta thường gặp khó khăn khi xác định mức chênh lệch này. Giá là mức thị trường xác định cho cổ phiếu của công ty ngày hôm nay. Nhưng giá trị thể hiện cổ phiếu đó đáng giá thế nào. Đôi khi giá của một sản phẩm nào đó thường không bằng giá trị của nó. Ví dụ, khi bạn mua một chiếc ô tô mới trên thị trường, bạn nên biết chiếc ô tô đó đáng giá thế nào trước khi bạn hỏi giá của nó.
Vì Quy tắc số 1 đặc biệt được áp dụng khi mua một số thứ, cái khó đối với nhà đầu tư theo Quy tắc số 1 là hiểu rằng chúng ta phải biết hàng hoá – hoặc công ty – đó đáng giá bao nhiêu. Nhắc lại ví dụ về việc mua một chiếc ô tô. Trong khi ở đại lộ Park, Thành phố New York, tôi đã nhìn thấy một chiếc Maserati Quattroporte mới toanh qua cửa sổ của một đại lý bán xe. Đó là một chiếc ô tô đẹp. Cực đẹp. Do đó, tôi vào hỏi một trong những nhân viên bán hàng giá (giá của nhà sản xuất) của chiếc ô tô đó là bao nhiêu. Cô ta nói với tôi là từ 101.000 đô-la đến 115.000 đô-la, phụ thuộc vào hợp đồng quyền chọn mua bán.
Sau đó, khi tôi ngồi vào vị trí người lái xe, bật các nút trên bàn điều khiển. Tôi hỏi cô ta “Cái này giá bao nhiêu?”. Cô ta nói rằng phải chờ 6 tháng và giá của nó khoảng từ 120.000 đô-la đến 145.000 đô-la. Tôi xin lỗi và đi thẳng.
Vẫn còn tò mò, tôi vào trang eBay và thấy một chiếc xe (một chiếc duy nhất) bán với giá 145.000 đô-la. Người bán ở New York không đùa! Giá do nhà sản xuất gợi ý là 106.000 đô-la. Ở đại lý và trên eBay, đều bán 145.000 đô-la. Tại sao? Bởi vì có nhu cầu lớn về loại xe này. Ở Mỹ, có một số người sẵn sàng trả mức giá đó bởi vì họ có nhiều tiền để phung phí. Họ rất sẵn tiền. Họ muốn mua một chiếc ô tô. Họ trả 145.000 đô-la mặc dù giá bán cao hơn giá trị thực 40%.
Tôi không trả cao hơn giá trị thực khi mua bất cứ thứ gì cả. Do đó, tôi không mua chiếc ô tô đó. Thậm chí, tôi có thể rất thích chiếc Maserati nhưng tôi phải chú ý đến túi tiền của tôi vì túi tiền của tôi đang nuôi sống tôi. Điều đó nghĩa là không nên thổi phồng giá cả chỉ vì tôi không thể đợi chờ được. Cả tôi và bạn đều biết rằng mức giá cao sẽ không kéo dài. Đến thời điểm nhất định, chiếc Maserati đó sẽ sẵn có để tôi mua với giá trị thực và sau đó có thể thấp hơn giá trị thực.
Chúng ta sẽ mua cổ phiếu của những công ty thời trang. Đầu tiên, chúng ta tìm một số công ty chúng ta thích và đáp ứng được các điều kiện nhất định. Sau đó, chúng ta kiên nhẫn và chờ đợi cho đến khi có cơ hội để mua với mức giá dưới giá trị thực. So sánh cách đó với cách người quản lý quỹ đầu tư của bạn thường làm. Người quản lý quỹ đầu tư hầu như trả ở mức giá trị thực hoặc trên mức đó.
Dưới đây là một ví dụ tiêu biểu
Cuối năm 1999, Yahoo! điều chỉnh giá cổ phiếu 118 đô-la. Mức giá này có thể là giá trị thực của Yahoo! khi tỷ lệ tăng trưởng của công ty vượt quá 70% hàng năm trong 15 năm tiếp theo. Tỷ lệ tăng trưởng này khó xảy ra, nhưng nếu Yahoo! tăng trưởng nhanh như vậy thì có thể, trong 15 năm tới, nó sẽ có giá trị 15 tỷ đô-la – một con số lớn hơn rất nhiều so với những gì Exxon có thể đạt được. Vào thời điểm đó, Exxon là công ty lớn nhất trên thế giới. Nếu bạn chấp nhận tình huống đó, bạn sẽ nhận thấy khoản doanh thu Yahoo! nhận được từ quảng cáo trong năm 2014 sẽ cao hơn rất nhiều so với doanh thu Exxon kiếm được từ bán dầu. Nếu điều đó không thể xảy ra, người quản lý quỹ đầu tư đã trả cho Yahoo! mức giá trên trời, cao đến nỗi phải mất 20 năm để có thể kiếm được khoản tiền tương đương như vậy. (Trong vụ giao dịch lớn nhất của Yahoo! họ trả 118,75 đô-la vào đầu năm 2000; cuối tháng 8 năm 2002, cũng cổ phiếu đó được bán với mức giá 4,5 đô-la. Với mức giá này, Yahoo! sẽ làm bạn thua lỗ nếu đầu tư).