Victor Hugo (1802-1885) đã từng nói rằng: “Sự xâm lược có thể bị chặn lại nhưng không thể biết được thời cơ của ai sẽ đến”.
Câu hỏi với chũ M đầu tiên ở bài “Lựa chọn cổ phiếu tốt với 4 chữ M” – Công ty đó có ý nghĩa (meaning) đối với bạn không? – bao gồm hai câu hỏi nhỏ: (1) Bạn có muốn sở hữu toàn bộ công ty không? (2) Bạn có hiểu đầy đủ vê công ty đó đến mức muốn sở hữu toàn bộ nó hay không?
Khi chuẩn bị mua một công ty lớn, tôi thường tự nhủ với chính mình rằng “nếu mua công ty này, ta sẽ sở hữu toàn bộ công ty đó và toàn bộ những gì nó có”. Tôi luôn nhắc đi nhắc lại câu nói này ngay cả khi tôi chỉ mua một phần nhỏ của công ty thông qua việc mua một ít cổ phiếu. Tất nhiên là có lý do chính đáng để học thuộc lòng câu thần chú đó. Nó khiến tôi suy nghĩ giống như một chủ sở hữu công ty chứ không phải một nhà đầu tư cổ phiếu – đây là điều rất quan trọng để trở thành nhà đầu tư theo Quy tắc số 1 thành công.
Hãy tự hào về những gì bạn sở hữu
Nếu chúng ta mua công ty với tư cách là chủ sở hữu công ty chứ không phải người đầu cơ cổ phiếu thì việc đầu tư đó mang tính cá nhân. Tôi muốn khoản đầu tư của mình mang tính cá nhân. Tôi muốn tự hào về những gì mình sở hữu. Đây là một khởi đầu quan trọng để quyết định chúng ta nên đổ tiền vào đâu. Chúng ta đầu tư vào công ty nào, có nghĩa là chúng ta tán thành việc tiếp tục kinh doanh trong lĩnh vực đó, bất kể đó là lĩnh vực gì.
Ví dụ, nếu mua hãng Coca Cola, chúng ta ngầm định rằng, chúng ta ủng hộ công ty đó. Thực ra, chúng ta đang hàm ý rằng chúng ta muốn có các sản phẩm của Coke và muốn công việc kinh doanh của Coke tiếp tục phát triển mạnh. Còn nếu mua một công ty bóc lột sức lao động trẻ em tại một nước thế giới thứ ba, chúng ta lại đang ngầm ủng hộ hành động ấy. Có thể bạn chấp nhận điều đó những điểm mấu chốt ở đây là sở hữu cái gì bạn có thể tự hào khi nói nó là của mình. Sự ủng hộ của chúng ta có thể không chiếm nhiều vai trò trong một hòm phiếu, nhưng với tư cách là người sở hữu một công ty thì điều đó lại đóng một vai trò rất quan trọng. Nếu quyết định sở hữu một công ty nào đó của chúng ta ảnh hưởng đến hoạt động của xã hội thì tôi cho rằng chúng ta nên cân nhắc điều chúng ta đang nói.
Đầu tư theo Quy tắc số 1 cho phép bạn xác định được công ty tốt hay xấu và giúp bạn đưa ra quyết định đầu tư đúng đắn cho chính mình. Điều này không có nghĩa là quy tắc này bảo đảm cho bạn mua được những công ty sẽ không thất bại trong kinh doanh, hay gắn giá trị của bạn với công ty để bảo đảm bạn thu được thành công lớn nhất về tài chính. Điều đó chỉ có nghĩa là xã hội có đủ những kẻ đạo đức giả, vậy tại sao bạn lại hợp tác với họ? Nếu bạn nhận thấy một thứ gì đó xấu xa thì bạn đừng nên sở hữu công ty tạo ra nó. Hãy ủng hộ bất kỳ thứ gì mà bạn mong muốn với số tiền của mình và bạn cần hiểu rằng, đó là lựa chọn cá nhân của riêng bạn.
Đầu tư là một trong những việc mang tính đạo đức và quan trọng nhất chúng ta có thể làm. Nếu ta có vinh dự trở thành một trong số ít người có nhiều tiền hơn mức cần thiết để tồn tại thì chúng ta cần phải thận trọng khi phân bổ nguồn vốn đó vì nó có thể ảnh hưởng đến việc xã hội sẽ đối xử như thế nào với các em nhỏ của chúng ta.
Hãy nghĩ việc đầu tư tiền của bạn cũng giống như việc gieo trồng hạt giống trên mặt đất. Hãy tưởng tượng rằng, chúng ta gieo gì thì sẽ gặt nấy. Hãy hành động như thể điều đó là có thật. Cuối cùng, hãy ghi nhớ Quy tắc 10 – 10 khi mua bất kỳ công ty nào.
Quy tắc 10 – 10
Quy tắc 10 – 10: Tôi sẽ không sở hữu công ty này trong 10 phút nếu tôi không sẵn sàng sở hữu nó trong 10 năm. Quy tắc 10 – 10 là một cách tư duy đầu tư. Trên thực tế, chúng ta có thể mua công ty nào đó vào ngày hôm nay, sau một tháng lại bán đi, ba tháng sau mua trở lại và vài tuần sau lại bán đi. Chúng ta mua một công ty để giữ nó trong 10 năm không có nghĩa là chúng ta không thể mua đi bán lại công ty đó nhiều lần. Lý do quan trọng để sử dụng Quy tắc 10 – 10 trong quá trình mua đó là quy tắc này khiến người ta trở thành những nhà đầu tư có kỷ luật hơn.
Hầu hết các nhà đầu tư đều giả định họ sẽ thua lỗ trong một số khoản đầu tư khi cổ phiếu của họ biến động lên xuống trên thị trường. Do kỳ vọng như vậy nên họ thường đa dạng hoá danh mục đầu tư để giảm bớt rủi ro. Nhưng không có người đầu tư nào lại hờ hững khi bị thua lỗ và cho rằng đó là điều bình thường. Bạn có thể tưởng tượng một người đầu tư quyết định mua thêm năm công ty nữa để “giảm rủi ro”? Điều đó điên rồ như thế nào? Nếu một công ty của anh ta có nhiều rủi ro đến vậy, thì tại sao việc đa dạng hoá đầu tư vào năm công ty có thể khiến cho công ty đầu tiên ít rủi ro hơn? Nếu công ty đầu tiên có quá nhiều rủi ro, anh ta có thể bán nó đi và mua một công ty khác anh ta hiểu rõ hơn.
Quy tắc 10 – 10 giúp chúng ta nhớ đến việc chúng ta “sẵn sàng” sở hữu một công ty trong thời gian bao lâu để chúng ta luôn nghĩ mình là một nhà đầu tư dài hạn. Là những nhà đầu tư theo Quy tắc số 1, chúng ta sẽ chỉ sở hữu một số ít công ty. Trong trường hợp đó, chúng ta cần chuẩn bị tinh thần để chắc chắn rằng chúng ta sở hữu một số ít những công ty thực sự tuyệt vời, đó là những công ty không làm cho chúng ta thua lỗ.
Chúng ta cần kiên nhẫn chờ đợi cho tới khi có thể tìm ra những công ty tuyệt vời với mức giá hấp dẫn và tạo nên một thói quen, là không bao giờ bỏ tiền ra cho tới khi chắc chắn rằng mình sẽ không bị mất tiền. Nếu một công ty thực sự tuyệt vời và mức giá của nó thực sự hấp dẫn, chúng ta có thể tin chắc rằng mình sẽ kiếm được tiền.
Nhưng bạn nên mua công ty nào? Bạn và tôi có nên mua cùng một kiểu công ty không? Chúng ta có phải là những người giống nhau không? Chúng ta có yêu thích và hiểu biết mọi thứ giống nhau không? Rõ ràng, mỗi người trong chúng ta là cá thể duy nhất với tài năng khác nhau. Mỗi người tôi từng gặp đều khác nhau ở khía cạnh nào đó. Chúng ta khác nhau về mục đích. Hành động phù hợp với tính cách của bạn đồng nghĩa với đầu tư phù hợp với tính cách của bạn. Vậy bạn nên sở hữu kiểu công ty nào? Câu trả lời là những công ty bạn hiểu rõ, những công ty phản ánh được bạn là ai.