Cùng xem ví dụ từ cổ phiếu công ty General Dynamics
Vào tháng 6 năm 1992, tờ Wall Street Journal đã đăng tải những báo cáo về hãng General Dynamics. General Dynamics có kế hoạch mua lại 13 triệu cổ phiếu của chính hãng này từ các cổ đông của mình. Con số này tương đương với 30% tổng số cổ phiếu của hãng General Dynamics. Lời đề nghị mua cổ phiếu được thông báo bằng văn bản cụ thể. Trong đó nêu rõ, các cổ đông sẽ có cơ hội đưa ra giá thầu cho chính cổ phiếu của họ trong công ty với giá dao động từ 65,375 đô la đến 75 đô la. Dựa trên số lượng cổ phiếu được đưa giá thầu và dựa vào mức giá trên thị trường, hãng General Dynamics sẽ đặt ra một giá cuối cùng để mua lại 13 triệu cổ phiếu của hãng mình. Tất cả các cổ phiếu đều được đưa giá thầu tại thời điểm đó hoặc thấp hơn mức giá cuối cùng sẽ được mua với mức giá đó theo lời mời thầu.
Khi xem xét lời mời thầu và tình hình thực tế của vụ giao dịch này, tôi thấy, các chi tiết cụ thể về việc mua cổ phiếu không phải là vấn đề quan trọng nhất. Sau khi đọc hết các thông tin được đăng tải trên báo và những văn bản mời thầu, tôi nhận thấy điều đáng chú ý nhất là hãng General Dynamics đã có một kế hoạch toàn diện từ hơn một năm trước. Do ngân sách quốc phòng ngày càng bị co hẹp, cùng với sự sụp đổ của liên minh Xô Viết, để tránh ảnh hưởng, General Dynamics đã quyết định cải tổ mạnh mẽ bộ máy vận hành của mình. Dưới sự lãnh đạo của William Anders, một nhà cựu phi hành gia, công ty đã tiến hành thực hiện một kế hoạch tái cơ cấu toàn bộ nhằm tập trung vào các lĩnh vực nòng cốt của mình. Thời gian đầu của chương trình, công ty đã triển khai một kế hoạch tặng cổ phiếu cho 23 nhà quản trị đứng đầu công ty.
Vào thời điểm đó, cổ phiếu của General Dynamics có giá 25 đô la/một cổ phiếu. Lần đầu tiên tôi được biết đến cổ phiếu của hãng là qua thông báo mời thầu, khi đó là tháng 6 năm 1992, giá cổ phiếu đã tăng lên 71 đô la. Các cổ đông của công ty đã kiếm được cả gia tài và sự tăng đột biến của giá cổ phiếu đã tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà quản trị công ty thu được lợi nhuận trên 20 triệu đô la. Tại sao tôi không lao vào ngay? Rõ ràng tôi thấy mình là kẻ đến muộn trong bữa tiệc này. Không, còn hơn cả muộn. Các cổ đông thậm chí đã được phục vụ món tráng miệng thứ hai hoặc ba.
Vậy điều gì giúp tôi có cái nhìn xa hơn? Đó là một điều khoản ghi trên trang nhất của văn bản mời thầu – một dấu hiệu khích lệ đáng kể đối với tôi. Đó là thông tin về mức độ tham gia của những cổ đông quản lý hãng trong cuộc mời thầu mua lại cổ phiếu của
công ty. Ngay cả sau khi đã kiếm đủ lợi nhuận nhờ sự tăng trưởng nhảy vọt của giá trị cổ phiếu, các nhà quản lý công ty vẫn chưa bán lại một cổ phiếu nào cho công ty trong cuộc mời thầu kiểu Hà Lan đó. Đây là một dấu hiệu qua đó cho thấy những người trong cuộc – những người hiểu rõ nhất các triển vọng của công ty – cho rằng giá trị thực của cổ phiếu vẫn chưa được đánh giá đúng.
Quả thực, nếu giá mua lại cổ phiếu bị đánh giá thấp hơn giá trị thực, thì kết quả có thể sẽ rất kịch tính. Một con tính đơn giản cũng chỉ ra rằng việc mua lại một phần lớn cổ phiếu dưới mức giá trị thực của nó có thể mang lại vận may bất ngờ cho những cổ đông vẫn giữ cổ phiếu. Hơn nữa, giá trị của công ty trong tương lai sẽ được đánh giá đặc biệt cao dựa trên khối lượng ít những cổ phiếu còn lại, chưa đem bán. Một dấu hiệu khả quan trong tương lai đã xuất hiện ngay từ chính kế hoạch tái cơ cấu. của công ty và nó đang dần được hoàn thành.
Theo văn bản mời thầu, dưới tiêu đề “Bối cảnh và Chiến lược kinh doanh”, General Dynamics đã đưa ra được một kế hoạch phát triển đầy triển vọng. Đó là “niềm tin của những nhà quản lý rằng lĩnh vực quốc phòng (có thể) sẽ phải giảm thiểu việc vượt quá năng lực nếu nó đảm bảo sẽ cung cấp cho Hoa Kỳ một nền công nghiệp quốc phòng vững chắc. Chính vì thế, họ chắc chắn rằng chỉ những ngành kinh doanh luôn dẫn đầu trên thị trường mới có thể hoạt động hiệu quả một khi lĩnh vực quốc phòng được hoàn toàn hợp lý hóa”. Theo nguyên tắc đó, hãng General Dynamics đã lựa chọn bốn lĩnh vực kinh doanh chính làm mục tiêu phát triển trong tương lai của mình. Công ty đã lên kế hoạch để “tiếp tục khám phá làm tăng sức mạnh” mỗi ngành đó bằng cách “kết hợp các ngành lại với nhau, hình thành liên doanh để giảm thiểu những tiện nghi vật chất vượt quá mức, tạo ra một phương thức kinh doanh thích hợp, và nếu có thể là bán đi một bộ phận kinh doanh”. Tất cả những bộ phận kinh doanh còn lại của hãng General Dynamics, những lĩnh vực đang được coi là “không chủ chốt”, sẽ được bán theo kế hoạch.
Thực chất, hãng General Dynamics đã chuẩn bị xem xét những cơ hội tái cơ cấu trong một thời gian dài, bao gồm lĩnh vực không chủ chốt của hãng mà chắc chắn sẽ bị bán, và cả những lĩnh vực kinh doanh chủ chốt mà sẽ được tái cơ cấu thường xuyên. Hơn nữa, trong những năm trước đó, General Dynamics đã bán một số xưởng kinh doanh máy tính và một công ty con là Công ty máy bay Cessna Aircraft, với số tiền thu được gần 800 triệu đô la. Hơn thế nữa, ngay trong tháng trước, công ty đã công bố bán một bộ phận hạt nhân của mình, với hy vọng có thể thu hồi được thêm 450 triệu đô la nữa. Theo văn bản mời thầu, thời gian để hoàn thành toàn bộ quá trình bán đi những lĩnh vực “không trọng yếu” của công ty là trước năm 1993. Khoản tiền thu được từ việc bán các lĩnh vực đó sẽ được phân chia cho các cổ đông của hãng. Thêm vào đó, vì những ngành kinh doanh được bán chiếm 20% tổng số ngành kinh doanh của công ty, nên theo bộ luật thuế, các cổ đông của công ty sẽ được nhận nhiều ưu tiên về thuế trong quá trình phân chia.
Lý do cuối cùng làm tôi quan tâm đến từng bước thăng trầm của General Dynamics là gì?
Mặc dù tôi đã đến quá muộn trong bữa tiệc tái cơ cấu, chưa kể đến việc giá cổ phiếu tăng khá cao, cổ phiếu của hãng vẫn chưa được đánh giá đúng giá trị thực. Thậm chí sau khi đã chi 950 triệu đô la mua lại những cổ phiếu từ đề nghị đưa giá và trừ đi những lợi nhuận trong tương lai, dường như General Dynamics đang sắp dành một tỷ đô la tiền mặt để trả cho các cổ đông, hoặc để dành củng cố vị trí những ngành kinh doanh chính của công ty trên thị trường. Sau khi trừ đi số tiền mặt như mong đợi từ giá cổ phiếu, tôi còn lại những cổ phiếu có giá thực tại những ngành kinh doanh chính còn lại trong hãng General Dynamics.
Khi đã dùng những phương pháp tính toán thận trọng hơn, tôi “đang đầu tư tạo ra” những ngành kinh doanh tiếp theo cho General Dynamics với giá 40%, thấp hơn những nhà thầu quốc phòng khác. Biết được bản chất thực sự của chương trình chuyển nhượng của công ty, và thông qua những thông tin cho biết các nhà quản lý dự định tiếp tục tái cơ cấu cả những ngành kinh doanh chủ chốt, tôi nghĩ mức giá thấp như vậy sẽ không kéo dài. Thành tích kinh doanh của công ty và chương trình khuyến khích các nhà quản lý đã khiến tôi tin tưởng rằng thị trường sẽ sớm nhận ra giá trị thực sự đang bị che đậy dưới vỏ bọc tái cơ cấu của hãng.
Vậy điều gì đã xảy ra? Mọi việc diễn ra tốt đẹp hơn những gì tôi mong đợi. Đầu tháng 7 năm 1992, công ty đã mua về 13 triệu cổ phiếu ở mức giá 72,25 đô la. Chỉ sau hai tuần, một sự kiện làm ấm lòng các nhà đầu tư đã diễn ra: Warren Buffet công bố rằng ông đã có trong tay hơn 4 triệu cổ phiếu, tương đương 15% tổng số cổ phiếu của hãng General Dynamics. (Bạn thấy đó, bạn đang có đồng minh, đôi khi ngay cả Buffet cũng bị hấp dẫn bởi những cơ hội đầu tư đặc biệt như vậy). Ngay cả khi có dấu hiệu đồng tình từ nhà đầu tư lớn nhất thế giới, bạn vẫn có nhiều thời gian để mua vào cổ phiếu General Dynamics, vì hai tháng sau công bố của Buffett, cổ phiếu vẫn ở mức giá dao động từ 75 đô la đến 80 đô la. Đây đúng là một bước tiến tuyệt vời.
Các ngành kinh doanh thứ yếu của General Dynamics vẫn tiếp tục được bán đi. Tháng 12 năm 1992, hãng đã công bố bán một trong số những ngành chủ chốt của mình, ngành máy bay tầm ngắn, với giá trên 1,5 tỷ đô la. Mặc dù phân ngành này đã được chọn làm loại hình chiến lược, General Dynamics vẫn tiến hành kế hoạch công bố văn bản mời thầu. “Để tiếp tục khám phá, làm tăng sức mạnh” của mỗi ngành chủ chốt, hang quyết định “kết hợp các ngành đó với nhau, hình thành liên doanh để giảm thiểu rủi ro, tạo ra một loại hình kinh doanh thích hợp, và nếu có thể, bán đi một bộ phận kinh doanh”.
Trong những năm tiếp theo, sau mỗi đợt bán và công bố chia cổ tức, tôi đều đánh giá lại giá trị tài sản đầu tư của mình. Ở mỗi giai đoạn, giá trị và thành tích kinh doanh của những ngành còn lại vẫn tiếp tục phát triển tốt. Cuối năm 1993, quá trình tái cơ cấu của General Dynamics đã tạo ra một đợt phân chia cổ tức với giá trên 50 đô la/một cổ phiếu và giá của cổ phiếu sau đợt chia cổ tức này đã vượt mức 90 đô la/cổ phiếu. Con số tổng trên 140 đô la này cho thấy cổ phiếu General Dynamics đã tăng gấp đôi trong vòng chưa đầy tám tháng, và nó đã xảy ra ngay cả sau khi tôi biết các thông tin về lời đề nghị mời thầu của công ty trên báo.
Vâng, tôi đã đến bữa tiệc muộn. Nhưng trong trường hợp này, thà muộn còn hơn không bao giờ. Bởi vì trên thực tế, không phải việc tái cơ cấu nào cũng diễn ra thuận lợi. Thật đáng ngạc nhiên khi có sự thay đổi về chiến lược phát triển trong tương lai của công ty, (cùng với điều kiện thị trường thuận lợi) mức giá thị trường đồng ý trả cho cùng một ngành kinh doanh có thể dao động từ 25 đô la/một cổ phiếu lên đến hơn 140 đô la/một cổ phiếu chỉ trong vòng ba năm. Mặt khác, trong vài năm gần đây, người ta đã đặt nhiều áp lực hơn vào việc quản lý công ty, buộc các công ty phải kinh doanh tập trung hơn, việc tổ chức kinh doanh phải minh bạch hơn trước giới đầu tư. Báo cáo về các quyết định của những tập đoàn tái cơ cấu lại công ty con hay bán lại một ngành kinh doanh không liên quan là việc diễn ra hàng ngày. Kinh nghiệm của hãng General Dynamics và những cổ đông của hãng chỉ là một ví dụ hiếm khi xảy ra về loại hình giá trị bị ẩn giấu mà nó có thể lộ ra qua quá trình tái cơ cấu.